Friday, August 19, 2016

Mù Chữ Thực Dụng

Tựa đề bài viết được tạm dịch từ nhóm chữ tiếng Anh “functional illiteracy”.  Đây là một hiện tượng xảy ra khá lâu tại các xứ văn minh, tân tiến.  Nhiều người có học thức cao và nghề nghiệp chuyên môn chỉ bỏ thì giờ đọc về những tài liệu liên quan đến nghề nghiệp hoặc ích lợi thực tiễn mà thôi.  Ngoài ra những người này không muốn đọc thứ nào khác.  Chẳng hạn như khi mua một món hàng cần phải lắp ráp, ít có người chịu khó đọc tài liệu chỉ dẫn (manual). 

Ngày nay người ta có khuynh hướng thích nghe hơn là đọc.  Trong những ngày gần đây khi trang mạng blog này bắt đầu đăng lên những video clips, con số người xem video trổi hơn hẳn số người đọc blogs.  Dường như hình ảnh và âm thanh sống động hơn chữ viết.  Tuy nhiên, một số đọc giả còn chịu khó đọc những bài viết blog vẫn còn khá cao và đáp ứng tích cực cũng như góp ý xây dựng.  Chẳng hạn có khá nhiều đọc giả hưởng ứng hai bài viết nói về nước Úc.  Một đọc giả đã đóng góp ý kiến như sau:  “Được thăm người Việt mình ở nhiều nơi tôi thường ví:  North America như làm miền Bắc làm việc giỏi, cạnh tranh nhiều; Europe thì giống như miền Trung, đời sống khó khăn hơn, nếp sống sâu sắc hơn; Australia/New Zealand như đất miền Nam xưa, đượm sữa và mật, con người mình trở thành dễ dàng, bọc trực.”  Một bạn đọc khác thì lại thắc mắc:  “Nước Úc thân thiện, sung sướng thế mà sao đa số mọi người muốn định cư tại Mỹ, Mục-sư hè?”  Một bạn khác thì thắc mắc:  “Làm sao lý giải về “giấc mơ Mỹ quốc”.  Đặc biệt khi đọc bài Tổ Sư Ba Xạo, một người đã thành thật chia sẻ tâm tình như sau:  “Con cám ơn Mục sư đã đăng bài viết rất hay và đúng thực tế vào thời cuộc này.  Cách đây không lâu có người khuyên con bán hai con bò để làm vốn đóng vào hệ thống cao cấp lợi nhuận nhiều hơn nuôi bò.  Nhưng may mà con không tham gia.  Nếu mà nghe người ấy bây giờ con cũng mất luôn hai con bò.”

Rất tiếc, trong khuynh hướng lười đọc hiện nay nhiều tiệm sách đã đóng cửa, nhiều nhật báo nổi tiếng chấm dứt xuất bản báo đọc và thay vào đó bằng những trang mạng với nhiều hình ảnh và video clip.  Thời xa xưa ở Việt Nam, khi chữ quốc ngữ phát triển và văn học nước Pháp tràn vào có người đã than rằng “cái học nhà nho đã hỏng rồi, mười người đi học chín người thôi.”  Bắt chước người xưa chúng ta cũng có thể than thở “đọc sách ngày nay đã hỏng rồi, mười người biết đọc chín người thôi.”  Đầu óc người thời nay trở nên mụ mẫm, chỉ thích ăn những món dọn sẵn và không muốn suy nghĩ, lý luận nhiều nữa.  Dù kinh tế có suy sụp và tìm việc càng ngày càng khó khăn, nhưng những phim ảnh mới được phát hành hàng tuần trình chiếu tại các rạp hát và trên các phương tiện truyền thông đại chúng (social media, Youtube, Netflix, v.. v..)…?

Trong lãnh vực truyền giáo, các nhà nghiên cứu và học giả đã phải tìm cách đáp ứng khuynh hướng mù chữ thực dụng này.  Dựa vào hoàn cảnh và kinh nghiệm ở những xứ không có văn tự (như một vài vùng ở Phi Châu) một phương pháp mới để phát triển nước Chúa đang được thực hiện.  Để tốt nghiệp và được phong chức, các sinh viên thần học phải thuộc lòng chính xác 400 câu truyện trong thời Cựu Ước và 300 câu truyện trong thời Tân Ước.  Không những thế họ phải kể lại những câu chuyện đó một cách hấp dẫn để người nghe thích thú, nhớ nằm lòng và có thể kể cho người khác.  Tuy nhiên, tiến trình này phải bắt đầu từ những người có khả năng thu thập dữ kiện bằng hành động đọc sách.  Tại các hội thánh tại Âu Mỹ đa số tín hữu rất lười đọc Kinh Thánh.  Nhiều người đến nhà thờ một tuần một lần để nghe mục sự đọc Kinh Thánh dùm và giải thích.  Thật là tiện lợi vô cùng, nhưng nguy hiểm là ở chỗ nghe bài giảng không kỹ lưỡng, câu được câu không, rồi hiểu sai và áp dụng sai.

Ước mong con dân Chúa ý thức được tầm quan trọng về việc học hỏi và suy gẫm Kinh Thánh.  Rồi nhờ ơn Chúa áp dụng thực tế thì con cái Chúa sẽ nếm biết được sự ngọt ngào của Chúa là dường nào.  Những nguồn tài liệu dưới đây có thể giúp chúng ta hiểu được lời Chúa rõ ràng hơn:

      1.  Trang mạng ODB.org (Our Daily Bread)
Mỗi ngày trang này đăng một bài học ngắn trong Kinh Thánh có liên hệ đến những sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày.  Những bài viết này cũng được dịch qua tiếng Việt ở trong trang mạng Vietnamese.odb.org (Lời Sống Hằng Ngày).

      2.  EasyEnglish.info
      Trang mạng này do cơ quan phiên dịch Kinh Thánh Wycliff trình bày bằng tiếng Anh đơn giản giới hạn trong vài ngàn từ.  Tuy Anh ngữ đơn giản nhưng nội dung rất phong phú bao gồm cả phần chú giải cho cả quyển Kinh Thánh.

MS Nguyễn Anh Tuấn

No comments:

Post a Comment