Tuesday, August 2, 2016

Một Cây Làm Chẳng Nên Non

“Tung cánh chim tìm về tổ ấm” là câu đầu tiên của bài hát Ngày Về do tác giả Hoàng Giác sáng tác.  Nhìn đàn chim tung cánh bay khắp trời, người nghệ sĩ rung động nhớ nhà thấm thía và hình dung ngày về quê cũ gặp lại người xưa.  Nhà khoa học nhìn chim bay theo độ hình chữ V thì có một nhận định khác.  Họ cho biết khi bay thành đội hình như thế hiệu lực của cả bầy tăng thêm 70% so với cảnh tượng một con chim bay đơn lẻ.
Hiệu ứng khí động học (aerodynamic effect) giúp cho đàn chim bay xa và nhanh gần gấp đôi trong những chuyến đường dài xuôi về miền Nam ấm áp hơn.  Chẳng trách người dân Canada xứ lạnh nghe đàn ngỗng trời vừa bay vừa kêu ầm ĩ “go south, go south”.  Với bản năng sinh tồn, những đàn chim xứ lạnh như bầy ngỗng trời dường như đã biết cách tận dụng phương cách di chuyển tuyệt diệu như thế. 

Bài học đầu tiên con người chúng ta nhận được là tinh thần hiệp một.  Nhưng buồn thay đa số các tập thể, hội đoàn và ngay cả hội thánh của Chúa thì lại đi từ hiệp một đến hiệp hai, hiệp ba.  Như người ở phố Bolsa Little Saigon có câu rằng:  “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại không còn một cây.” 😂 Sách Truyền Đạo đoạn 4 câu 9 nhắc nhở "hai người hơn một."

Bài học thứ hai đề cập đến tinh thần thay phiên lãnh đạo.  Một lần nữa theo bản năng sinh tồn những con chim nào mạnh khoẻ nhất bay ở hàng đầu tiên.  Khi nào con chim đầu đàn bắt đầu mỏi mệt thì nhường chỗ cho con khác tiến lên dẫn đầu.  Loài người chúng ta thì phần lớn thấy các nhà lãnh đạo thường có khuynh hướng tham quyền cố vị, chẳng muốn nhường ngôi cho ai cả. 
Những con chim nào yếu sức hơn thì sẽ bay ở những hàng sau, nhưng đồng thời sẽ lớn tiếng kêu to để cổ vũ cho những con chim bay ở hàng đầu.  Đó là bài học thứ ba đề cập đến tinh thần ủng hộ những người đi sau lưng người lãnh đạo.

Bài học thứ tư liên hệ đến tinh thần tương trợ lẫn nhau.  Nếu trong đàn chim có con nào quá yếu sức, sắp rơi xuống đất, ngay lập tức có hai con khác khoẻ mạnh hơn bay kèm, hạ cánh an toàn ở lại chăm sóc đồng bạn cho đến khi hoàn toàn hồi phục.  Rồi sau đó cả ba gia nhập một bầy chim khác, tiếp tục cuộc hành trình.  Ngoài bốn nhận định căn bản vừa kể trên có một chuyên gia huấn luyện về phát triển lãnh đạo đưa ra một số điều tương tự nhưng có tính cách hệ thống hoá cho nguyên tắc tổ chức và điều động của một tập thể:
1.  Đồng một chí hướng (sharing the common goal):  Khi một con ngỗng trời đập cánh nó tạo nên một hiệu ứng khí động học giảm khí áp và đưa lên một độ cao hơn cho những con chim khác bay theo, cả bầy chim sẽ có thể bay xa hơn 70% khoảng đường so với nỗ lực của từng con chim một.  Bài học chúng ta nhận được ở đây là khi mọi người cùng một chí hướng thì có thể đạt được mục đích nhanh hơn và đỡ tốn sức hơn.  Vì thế chúng ta nên tìm cách giúp cho đội ngũ và tập thể của mình có cùng một chí hướng.
      2.  Gia tăng được tầm nhìn (increasing visibility):  Cùng bay chung trong đội hình chữ V sẽ gia tăng tầm bởi vì mỗi con ngỗng trong đàn đều có thể thấy được những gì xảy ra trước mắt.  Bài học áp dụng ở đây là phải giúp cho tập thể của chúng ta nhìn rõ cả hai chiều của sơ đồ tổ chức.  Cái nhìn từ trên xuống (top down) giúp người lãnh đạo liên hệ chặt chẽ tất cả các khía cạnh của tổ chức để có những quyết định thông suốt hơn.  Tầm nhìn từ dưới lên (bottom up visibility) giúp cho người đi theo thấy được bức tranh toàn diện để tích cực tham gia và quyết tâm cùng đứng chung đường.  Nguyên tắc này sẽ giúp cho tổ chức tránh được cảnh tượng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, đồng thanh nhất trí nhưng mỗi người một ý.
      3.  Khiêm nhường và sẵn lòng nhận sự giúp đỡ (having humility to seek help):  Khi một con ngỗng trời bay lệch ra khỏi đội hình, chàng ta sẽ đột nhiên cảm thấy áp lực phải bay một mình.  Theo phản xạ tự nhiên chú ngỗng trời này sẽ nhanh chóng điều chỉnh để bay vào trong đội hình và được lợi thế sức đẩy lên cao của đồng bạn ngay trước mặt.  Bài học áp dụng cho loài người chúng ta là mỗi người phải nhún nhường khi đối diện với các thách thức và tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi bị vướng mắc.  Thái độ kiêm nhường sẽ giúp mỗi cá nhân, toàn đội và cả tổ chức tiến xa hơn và đạt được thành quả nhiều hơn.
      4.  Trao quyền lãnh đạo cho người khác (empowering others to lead):  Khi con ngỗng dẫn đầu mệt mỏi chàng ta sẽ di chuyển về phía sau của đội hình và để một chú ngỗng khác tiến lên vị trí lãnh đạo.  Đây là bài học quý giá mà những nhà độc tài không muốn áp dụng.  Điều hành các tiểu tiết và kiểm soát chặt chẽ sẽ khiến người lãnh đạo bị cháy tiêu.  Đồng thời cung cách này cũng khiến người chung quanh ‘nghỉ chơi’ và nản lòng.  Người nào cũng có nét đặc thù về khả năng, kỹ năng và ân tứ để đóng góp.  Khi cho họ có cơ hội tự quản, được tin cậy và trở nên xuất sắc chúng ta sẽ nhận được thành quả đầy ngạc nhiên.
      5.  Luôn luôn công nhận những công tác tốt đẹp (always recognizing great work):  Những con ngỗng trời phía sau kêu quàng quạc để cổ võ những con phía trước giữ nguyên vận tốc.  Bài học áp dụng là chúng ta luôn ca ngợi những người xứng đáng được công nhận về thành quả của họ.  Thiếu sót hành động này là một trong lý do chính khiến cho những cá nhân bất mãn và bỏ đi.  Trong khung cảnh vội vã, bận rộn có nhiều lúc các nỗ lực của những cá nhân không được đề cao. Vì vậy, nếu người lãnh đạo luôn nhớ đến việc công nhận và khích lệ về thành quả của những người xung quanh, cả tập thể sẽ phấn khởi cùng nhau đạt được mục đích. 
      6.  Sẳn sàng hỗ trợ trong những lúc khó khăn (offering support in challenging time):  Khi một con ngỗng mắc bệnh hoặc bị thương, hai con khác sẽ rời đội hình, bay kèm theo để giúp đỡ và bảo vệ.  Cặp đôi này sẽ ở với chú ngỗng yếu sức đó cho đến khi chàng ta chết hoặc có thể bay được trở lại.  Rồi khi đó cả ba sẽ gia nhập một đội hình khác để tiếp tục hành trình.  Bài học áp dụng ở đây là cần phải đứng bên nhau trong những lúc khó khăn.  Ai cũng thích gia nhập những toán đội luôn chiến thắng, nhưng khi sự việc trở nên rối reng và có những người đối diện với những thách thức, đó là lúc các người cộng sự cần ta nhất.
      7.  Luôn cam kết với các giá trị căn bản và mục đích của tập thể (team committed to core values and purpose):  Các lộ trình ‘di cư’ của đàn ngỗng không bao giờ thay đổi từ năm này qua năm khác ngay cả khi các thành viên của bầy thay đổi, các ngỗng trẻ học thuộc lộ trình từ những ngỗng cha mẹ.  Vào mỗi mùa Xuân ấm áp chúng bay trở về đúng nơi chốn chúng được sinh ra.  Bài học áp dụng là một tổ chức luôn luôn  vững vàng tuân theo giá trị căn bản và mục đích của tập thể.  Các kế hoạch, chiến lược, sản phẩm có thể thay đổi và giúp cho tập thể được duy trì một cách uyển chuyển nhưng tổ chức luôn phải gắn bó với mục đích và giá trị căn bản để giúp cho họ được tồn tại vững mạnh.  
   
      Lần tới khi thấy một đàn chim bay theo đội hình chữ V xin hãy cố gắng nhớ một vài bài học đáng giá để áp dụng cho tập thể của bạn.

  Mục-sư Nguyễn Anh Tuấn

3 comments:

  1. Cam on Muc Su rat nhieu ve bai viet nay. 4 nguyen tac/bai hoc can ban de phat trien lanh dao that huu ich. Thich nhat la bai hoc hai. Bao nhieu nguoi lanh dao ngay nay hoc duoc bai hoc nay?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bài viết và y-kiến hay, thực tế ít người chịu áp dụng , thế mới là tội lổi và lúc nào cũng lệ thuộc sự chỉ dẩn của Chúa !

      Delete
  2. Xem kìa một đàn ngỗng bay
    Khôn ngoan sáng tạo vinh thay Chúa Trời
    Giúp ta bài học tuyệt vời
    Xin hãy làm theo ngỗng trời khi bay

    ReplyDelete